Lục bình từ sông Sài Gòn trôi vào phủ kín nhiều tuyến kênh rạch ở nội thành, làm tắc nghẽn giao thông đường thủy, làm gia tăng ô nhiễm, dịch bệnh, nhưng ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu.
Lục bình dày đặc trên sông Vàm Thuật khiến nhiều ghe thuyền nhỏ không thể lưu thông
Sáng sớm, định nổ máy chạy ghe đi làm nhưng thấy lục bình giăng kín mặt sông, anh Sơn đành phải lên bờ ngồi đợi. Gần cả tháng nay, lục bình từ sông Sài Gòn liên tục chảy vào phủ kín dòng sông Vàm Thuật (quận 12 và quận Gò Vấp, TPHCM) khiến cuộc sống của anh Sơn và những người mưu sinh bằng nghề vớt trùn, đánh bắt cá ở khúc sông này vô cùng khổ sở.
Lục bình nhiều chưa từng thấy
Có hôm, đợi những mảng lục bình trên sông Vàm Thuật rã ra quá lâu, anh Sơn đánh liều phóng ghe chạy ra sông Sài Gòn, nhưng được chừng trăm mét thì chân vịt bị lục bình quấn chặt, chiếc ghe nhỏ quay vòng rồi chết máy.
Anh Sơn nhận xét: “Mình sống ở đây mấy chục năm rồi nhưng chưa từng thấy đợt lục bình nào nhiều như đợt này. Mình đi vớt trùn còn đỡ chứ mấy anh em sống bằng nghề đánh bắt cá còn khổ hơn vì lục bình phủ kín khắp nơi, không thể giăng lưới”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu tháng 5/2020 đến nay, sông Vàm Thuật và tuyến kênh Tham Lương thường xuyên bị lục bình phủ kín, kéo dài hàng cây số. Từ sáng sớm, khi triều lên, lục bình theo con nước từ sông Sài Gòn trôi vào sông Vàm Thuật rồi tỏa vào tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên làm cho tuyến giao thông thủy này tê liệt. Riêng kênh Bến Cát (quận 12), lục bình phủ kín đến mức cả một đoạn kênh dài không có lấy một khoảng trống.
Lục bình phủ kín kênh rạch không chỉ làm ngưng dòng chảy mà còn khiến ô nhiễm gia tăng, muỗi mòng bùng phát. Với tay kéo một bụi lục bình bên mé kênh lên, nhìn bầy muỗi túa ra như ong vỡ tổ, mùi hôi thối từ dòng nước đen sì xộc lên, ông Minh - nhà ở gần kênh Nước Lên, phường Thạnh Lộc, quận 12 - bức xúc: “Đoạn kênh này thường xuyên bị lục bình phủ lấp mà chẳng thấy ai nạo vét gì cả. Ở Sài Gòn mà lục bình còn khủng khiếp hơn ở quê”.
Không chỉ trên kênh rạch nội thành, sông Sài Gòn dù rộng và có dòng chảy mạnh nhưng có lúc, ghe thuyền lớn cũng khó di chuyển do bị lục bình bủa vây. Lục bình xuất hiện nhiều ở đoạn sông từ cầu Bình Phước (quận Thủ Đức) đến thượng nguồn (huyện Củ Chi).
Nhiều người lái tàu trên sông Sài Gòn cho biết, khúc sông từ cầu Phú Long mới đến cầu Bình Phước thường đọng rất nhiều lục bình do dòng chảy chậm. Dù vậy, từ trước đến giờ, chưa từng thấy đơn vị nào vớt lục bình ở khu vực này.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở đoạn sông Sài Gòn gần Cầu Đôi (phường Thạnh Lộc, quận 12), thường có một chiếc ghe chở máy cắt, vớt lục bình màu nâu đỏ neo đậu nhưng lại không vận hành trên sông.
Chưa vớt ngoài sông nên phải tốn công
Chiếc máy cắt, vớt lục bình của Công ty Quản lý và Khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM chỉ vận hành được trong kênh rạch nhỏ, chưa xử lý được lục bình trên sông lớn
Chiếc máy cắt, vớt lục bình nói trên là của Công ty Quản lý và Khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM. Ông Nguyễn Văn Đam - Giám đốc công ty - cho biết, chiếc máy cắt nhưng chỉ vớt lục bình trên các tuyến kênh rạch nhỏ ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh chứ không thể vớt lục bình trên sông Sài Gòn.
Một cựu lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng, việc ngăn chặn lục bình ở TPHCM đang làm theo quy trình ngược: “Vấn nạn từ lục bình đã có từ lâu. Từ mười năm trước, ngành giao thông vận tải TPHCM đã tính đến phương án vớt lục bình từ thượng nguồn sông Sài Gòn nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì, đến nay, việc tổ chức vớt lục bình từ sông lớn vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, mỗi năm, ngân sách thành phố phải tốn số tiền không nhỏ để vớt lục bình trên kênh rạch nội thành”.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, từ năm 2001 đến nay, việc vớt rác, lục bình, cỏ dại trên các tuyến kênh rạch lớn ở nội thành như Kênh Đôi, Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Công ty Dịch vụ công ích quận 8 và Công ty Môi trường đô thị TPHCM thực hiện. Phương tiện vớt rác trên các tuyến kênh này hầu hết là ghe có động cơ nhỏ và vớt thủ công. Các phương tiện này không phù hợp để vớt rác và lục bình trên sông Sài Gòn.
Một cựu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thêm, trước đây, phương án thí điểm vớt lục bình trên sông Sài Gòn dự kiến giao cho Công ty Môi trường đô thị TPHCM thực hiện. Tuy nhiên, cuối năm 2019, do UBND TPHCM ban hành quyết định sắp xếp lại nhiệm vụ quản lý các tuyến sông, kênh rạch, nên trách nhiệm thực hiện việc vớt lục bình cũng thay đổi theo. Nếu căn cứ theo quyết định của UBND TPHCM, công tác vớt lục bình trên sông Sài Gòn do Trung tâm Quản lý đường thủy nội địa TPHCM đảm nhiệm.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, một lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị TPHCM xác nhận, theo chủ trương trước đây của UBND TPHCM, công ty đã khảo sát và lập phương án vớt lục bình trên thượng nguồn sông Sài Gòn. Tuy nhiên, đến nay, việc này phụ thuộc đơn vị khác nên công ty cũng chưa biết đến khi nào mới có thể triển khai.
Hệ lụy từ 700km kênh rạch bị lục bình phủ kín
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM năm 2013, TPHCM có 29 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài hơn 25.000m thường xuyên bị lục bình phủ dày đặc. Tính chung, toàn thành phố có 170 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài gần 700km bị lục bình, cỏ dại ngăn dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường và làm tăng nguy cơ phát sinh dịch
bệnh.
Theo khảo sát trong năm 2019 của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, hệ lụy từ lục bình ngày càng trầm trọng, nhất là ở những tuyến kênh rạch cụt, không có đường thoát nước hay các tuyến kênh rạch nằm trong khu dân cư, do lục bình từ sông Sài Gòn trôi vào, bị kẹt và phát triển mạnh thêm. Những quận, huyện có lục bình nhiều là các quận 2, 12, Bình Tân, Gò Vấp, các huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Ngoài làm tắc nghẽn dòng chảy, lục bình phủ kín mặt sông, kênh rạch còn làm giảm đáng kể lượng khí ô-xy, khiến các loại thủy sinh không sống được, hệ sinh thái môi trường cũng bị ảnh hưởng theo.
Cần hơn 4,5 tỷ đồng để vớt lục bình trên sông
Theo phương án thí điểm do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM soạn thảo, để vớt lục bình trên thượng nguồn sông Sài Gòn (thuộc huyện Củ Chi) với tổng chiều dài khoảng 13km, cần hơn 4,5 tỷ đồng.
Lục bình trôi đầy sông Sài Gòn gây nhiều khó khăn cho các phương tiện lưu thông đường thủy - Ảnh: TRUNG THANH
Thời gian vớt lục bình trên sông sẽ được thực hiện liên tục trong ba tháng vào thời điểm lục bình xuất hiện nhiều. Lục bình sau khi vớt sẽ được lưu chứa trên sà lan, sau đó vận chuyển về nhà máy làm phân bón của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh).
Về kinh phí vớt rác, lục bình, cỏ dại trên các tuyến kênh lớn nội thành, theo chấp thuận của UBND TPHCM, ngân sách chi cho hoạt động này trong năm 2019 khoảng 28 tỷ đồng. Chi phí cụ thể do Trung tâm Quản lý đường thủy nội địa TPHCM lập và trình Sở Giao thông Vận tải TPHCM thẩm định.
TRUNG THANH/Báo Phụ Nữ Môi trường , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment