Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam vừa hoàn thành việc lập phương án giá dịch vụ chống ngập theo đặt hàng của Sở Xây dựng TPHCM. Cụ thể, mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TPHCM là 3.668 đồng/m2/tháng.
Đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức, TP HCM bị ngập sâu sau 1 cơn mưa khiến hàng loạt phương tiện lội nước. Ảnh: Minh Quân
3.668 đồng này sẽ là căn cứ để thành phố kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, gọi là xã hội hóa. Cho dễ hiểu, đó sẽ là một thứ BOT chống ngập. Và chính dân sẽ là người trả tiền.
Ngay lập tức, đã có phản ứng từ phía các chuyên gia kinh tế. Chuyên gia quy hoạch, KTS Ngô Viết Nam phản biện với 2 lý do: Việc tính giá dịch vụ theo mét vuông là không hợp lý. Mỗi điểm ngập có những nguyên nhân khác nhau, không thể tính toán trên diện tích mét vuông, rồi áp dụng chung cho cả TP. Thứ hai, tác nhân gây ngập không phải người dân.
Ví dụ mà KTS Ngô Viết Nam đưa ra là “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh. Trước đây, hoàn toàn không ngập. Nhưng từ khi hàng loạt dự án, cao ốc mọc lên thì vừa mưa đã ngập. “Nguyên nhân chính gây ngập là do phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, nhà cao “cắm” vô tội vạ, bêtông hóa toàn TP gây ngập là hệ quả của việc buông lỏng quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng”…
KTS Nam quá đúng. Lỗi ngập lụt không phải từ dân. Và chẳng có cái lý nào buộc dân, lại phải chịu một thứ BOT vô lý như “phí chống ngập”.
Huống chi, việc cào bằng 3.668 đồng/m2/tháng chắc chắn sẽ tạo ra sự thiếu công bằng khi mức độ ngập mỗi nơi một khác chứ ngập thì không bình quân, không bình đẳng.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong từng đưa ra một con số: Trong năm 2019 TPHCM triển khai đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỉ đồng.
8.000 tỉ mới chỉ là phần nhỏ so với nhu cầu 97.000 tỉ cho giai đoạn 2016-2020, so với tính toán so với nhu cầu đến 6 tỉ USD. Nhưng phép cộng của những khoản tiền này thì lại không hề nhỏ. Từ năm 2008 – 2018, 22.948 tỉ đồng đã “đổ xuống cống”. Năm 2020 con số này sẽ còn nhiều hơn nữa.
Với thực tế càng ném tiền càng ngập, có lẽ, trước khi tính đến chuyện đặt BOT chống ngập, những đồng tiền của dân cần được tính đến yếu tố hiệu quả đã. Có lẽ, với một thứ BOT ảnh hưởng đến cả chục triệu dân, ngay từ đầu đã gây tranh cãi, những tác động phải được tính toán, kể cả ở sức chịu đựng.
Chứ dân đã quá khổ vì ngập lụt, nay lại thêm một thứ BOT nữa thì chịu sao cho thấu.
Theo Lao động Giao thông , Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment