Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, thông tin về việc tăng học phí đào tạo giấy phép lái xe ôtô lên vài chục triệu đồng là không chính xác.
Thời gian gần đây, nhiều thông tin lan truyền việc các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe hạng B2 tăng học phí lên 20-30 triệu đồng khiến nhiều học viên vội vàng đi đăng ký học cấp tốc để tránh trả phí “khủng”.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thông tin tăng học phí đào tạo lái xe ôtô lên vài chục triệu đồng chỉ là lời “đồn thổi” không có căn cứ. Năm nay, chỉ có thay đổi bộ câu hỏi liên quan đến sát hạch lái xe, nghĩa là chỉ tăng số lượng câu hỏi chứ không thay đổi nội dung chương trình, thời gian đào tạo.
Bác thông tin học phí tăng chóng mặt
Theo khảo sát của PV, cho đến thời điểm này, mặc dù các cơ sở đào tạo lái xe có tăng học phí nhưng mức tăng không đáng kể, dao động ở mức trên dưới 10 triệu đồng đối với chi phí đào tạo, sát hạch hạng B2.
Cho đến thời điểm này, mặc dù các cơ sở đào tạo lái xe có tăng học phí nhưng mức tăng không đáng kể
Cụ thể, một số cơ sở đào tạo có mức học phí hạng B2 tăng lên như Trường TC giao thông Tiến Bộ hiện nay là 11,3 triệu đồng, Trung tâm GDNN lái xe Đại Phúc 8,5 triệu đồng, Trung tâm GDDN Mê Kông 9,9 triệu đồng, Trung tâm dạy nghề tư thục Hoàng Gia 15 triệu đồng…
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trường TC giao thông Tiến Bộ, cho biết chương trình đào tạo đã có nhiều thay đổi so với năm 2019 theo quy định của Bộ GTVT. Theo đó, số giờ học luật nhiều hơn, chương trình thực hành cũng thay đổi, vì thế để đáp ứng nội dung đào tạo mới, các trường có sự thay đổi học phí so với trước. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định: “Dù nội dung đào tạo mới thì cũng không có trường nào tăng học phí lên 20-30 triệu đồng”.
Trao đổi với PV, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cũng khẳng định, không có chuyện giá đào tạo lái ô tô tăng lên mức vài chục triệu đồng.
“Hiện nay mức học phí của mỗi người học lấy bằng lái B2 chỉ 7-8 triệu đồng và hoàn toàn không có chuyện học phí tăng lên 30 triệu. Việc có thông tin tăng mức học phí chỉ là chiêu trò đồn thổi để dụ dỗ người học trước khi thông tư 38/2019 có hiệu lực”, ông Thống nói.
Thông tư 38/2019 quy định từ ngày 1/5, các trung tâm phải lắp thiết bị giám sát môn học lý thuyết, điểm chỉ bằng vân tay…
Tuy nhiên, việc các trung tâm trang bị thêm thiết bị giá thành tương đối rẻ nên không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đào tạo.
Vụ trưởng nói rõ, cơ quan quản lý không chi phối mức học phí của các trung tâm đào tạo lái xe. Theo thông tư liên tịch 72 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính, giao cho cơ sở đào tạo tự xây dựng mức phí trên cơ sở nội dung, chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, chi phí đào tạo… để xây dựng mức học phí.
Cơ sở đào tạo phải công khai mức học phí và trình cơ quan quản lý nhà nước địa phương theo dõi giám sát.
“Tuy giao cho trung tâm tự định mức giá nhưng theo cơ chế thị trường, trung tâm nào tăng cao quá sẽ bị người học tẩy chay. Hơn nữa cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào mức tính toán của trung tâm để có mức giá phù hợp, khi trung tâm tăng học phí mà không báo cáo sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Thống nói.
Khi người học đến đăng ký học lái xe cần lưu ý: Đến đúng văn phòng ghi danh của các cơ sở đào tạo lái xe có quản lý, thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo theo quy định. Hợp đồng đào tạo có các nội dung giao kết liên quan đến thời gian đào tạo, địa điểm đào tạo, học phí… Tại đây, người học được cơ sở đào tạo chụp ảnh trực tiếp vào hệ thống.
Đối với vấn đề học phí, người học cần yêu cầu cơ sở đào tạo xuất phiếu thu theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
Từ 1-6 sẽ áp dụng bộ câu hỏi lý thuyết 600 câu
ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ có nhiều điểm mới.
Theo thông tư này, từ ngày 1-5-2020, cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị theo dõi và giám sát thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1).
Trong năm 2021, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên trên xe tập lái, đồng thời, bổ sung nội dung học trên cabin tập lái xe từ năm 2021 để học viên học kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, đường đèo núi, đường trơn trượt…
“Về sát hạch, ngoài bài sát hạch lý thuyết, sát hạch trong sa hình, trên đường trường sẽ bổ sung nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông từ 1-5-2021…” – ông Thống cho hay.
Ngoài ra, Thông tư 38/2019 đưa ra lộ trình từ ngày 1-6-2020 bổ sung mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý GPLX. Việc này sẽ giúp phát hiện nhanh bằng lái xe giả.
Bên cạnh đó, những quy định mới đã được các đơn vị triển khai đúng kế hoạch. “Hiện chúng tôi chưa gặp khó khăn gì trong việc áp dụng nội dung đào tạo, sát hạch mới. Đồng thời, đến nay Tổng cục Đường bộ chưa nhận được phản ánh của các sở GTVT, trung tâm đào tạo về khó khăn trong việc triển khai Thông tư 38/2019” – ông Thống nhấn mạnh. Kinh tế , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment