Cập nhật tin tức nóng hổi

Kiên Giang: Quản lý kém, Phú Quốc mất hơn 3.000 ha rừng trong 6 năm

Do công tác quản lý yếu kém của các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, 3.321 ha  rừng ở huyện đảo Phú Quốc đã bị tàn phá không thương tiếc.

Không có phương án trồng rừng thay thế  vẫn được giao thực hiện dự án

Theo luật định hiện hành, khi chuyển đổi các diện tích rừng sang sử dụng mục đích khác, phải có phương án trồng rừng với diện tích tương đương. Thế nhưng, câu chuyện rừng liên quan đến các dự án ở Phú Quốc lại hoàn toàn khác, khiến cho rừng nơi đây ngày càng co hẹp.
Kiên Giang: Quản lý kém, Phú Quốc mất hơn 3.000 ha rừng trong 6 năm
Một doanh nghiệp đang đo khảo sát phần ranh rừng và đất rừng  được cắt ra từ rừng  phòng hộ chuyển sang đất  thuộc dự án kinh tế tại Bãi Khem Phú Quốc tháng 02/2020.

Theo  kết luận 602 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản ở tỉnh Kiên Giang từ năm 2011-2017 cho thấy: 3.321 ha rừng Phú Quốc bị chuyển đổi để thực hiện các dự án, những diện tích rừng mất đi không được trồng lại theo quy định. Toàn bộ diện tích 3.321 ha  rừng đã giao hoặc cho thuê đối với các dự án đầu tư, đa số không được các chủ đầu tư lập phương án trồng rừng thay thế trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt  để tổ chức trồng hoặc nộp tiền rừng thay thế.

Sở Nông nghiệp và BQL khu kinh tế Phú Quốc là cơ quan có trách nhiệm chính lại không kiểm tra, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng qui định của pháp luật. Kết quả, chỉ có 211 ha/3.321ha (chưa đến 10%) diện tích rừng được lập phương án trồng thay thế. Tổng số tiền các chủ đầu tư phải nộp để trồng 211ha rừng này là hơn 35 tỷ đồng, các chủ đầu tư mới chỉ nộp hơn 20,2 tỷ đồng, nợ ngân sách gần 15 tỷ đồng.
Kiên Giang: Quản lý kém, Phú Quốc mất hơn 3.000 ha rừng trong 6 năm
Sau 6 năm, đảo ngọc Phú Quốc mất hơn 3.000 ha rừng do quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng

Điều đáng nói, trong kế hoạch thực hiện chấn chỉnh theo kết luận 602 của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang vẫn không đề cập đến trách nhiệm cụ thể của cơ quan hay cá nhân nào. Theo đó, tỉnh chỉ đề nghị “tăng cường công tác bảo vệ rừng, đặc biệt đối với rừng phòng hộ và Vườn quốc gia Phú Quốc; đôn đốc và có biện pháp cần thiết yêu cầu chủ đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất rừng lập phương án trồng rừng thay thế để làm cơ sở cho các chủ đầu tư tổ chức trồng hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định”.

Vô tư “hút máu” rừng

Ngoài việc thực hiện chuyển đổi đất rừng, pháp luật hiện hành còn qui định rõ việc quản lý sử dụng lâm sản ở các diện tích đã được chuyển đổi. Khoản 2, điều 11, Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ: “Sau khi được phép chuyển rừng để xây dựng công trình hoặc chuyển sang mục đích khác và chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đền bù theo quy định, UBND cấp tỉnh giao cho chủ rừng hoặc đơn vị có chức năng khai thác để khai thác tận thu”.

Thế nhưng, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã để các chủ dự án tận thu lâm sản của những diện tích rừng mà họ đã phá bỏ. Theo Kết luận 602, chỉ từ năm 2011 đến 2017, UBND tỉnh Kiên Giang đã thu hồi gần 896ha rừng do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý để giao cho các nhà đầu tư thực hiện 13 dự án, trong đó 8 dự án có kiểm kê khối lượng gỗ đường kính từ 28cm trở lên có giá trị để tận thu gỗ với khối lượng 21.428m3; 5 dự án không kiểm kê, tận dụng thu hồi gỗ với các lý do khác nhau như chủ đầu tư không kiểm kê hiện trạng rừng do không có gỗ có giá trị, dự án không khai thác cây rừng tự nhiên…Riêng rừng phòng hộ Phú Quốc, trong tổng số 5.629ha đã chuyển mục đích và chuyển ra khỏi ranh rừng, có 14 dự án được chuyển đổi với diện tích 79,65ha, đã thực hiện kiểm kê trữ lượng lâm sản với tổng trữ lượng 849,73m3. Trong số này có 1 dự án có thiết kế khai thác (trạm rada đã bán đấu giá gỗ tận thu).
Kiên Giang: Quản lý kém, Phú Quốc mất hơn 3.000 ha rừng trong 6 năm
Người dân đau xót chỉ cho phóng viên nơi xưa kia là rừng phòng hộ rậm rạp, nay đã bị một dự án du lịch nghỉ dưỡng nuốt chửng.

Người dân đau xót chỉ cho phóng viên nơi xưa kia là rừng phòng hộ rậm rạp, nay đã bị một dự án du lịch nghỉ dưỡng nuốt chửng.

Tại dự án Khu du lịch Bãi Dài do CTCP đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc làm chủ đầu tư (diện tích 304ha) được xác định  có 13.049m3 gỗ có đường kính từ 28cm trở lên được tận thu. Đây là một trong số hiếm hoi các dự án có khai thác gỗ tận thu ở Phú Quốc, thế nhưng Nhà nước cũng chỉ thu được chưa tới 10% số lượng gỗ theo biên bản kiểm kê và bàn giao. Qua thanh tra phát hiện chỉ có 118,35m3/13.049m3 gỗ được UBND huyện Phú Quốc tổ chức đấu giá, thu về cho ngân sách hơn 677 triệu đồng. Số12.930m3 gỗ còn lại, cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang không xác định được chúng về đâu, ai quản lý.

Rừng phòng hộ đặc dụng cũng bị chặt phá

Rừng phòng hộ, đặc dụng ở Phú Quốc được xác lập và cấp giấy chứng nhận từ những năm 1998, đã ghi nhận không có sự xâm lấn, bao chiếm của người dân. Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hơn 5.000ha đất rừng được đưa ra khỏi rừng  để bố trí đất nông nghiệp, đất ở cho người dân phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Khu kinh tế Phú Quốc.

Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, trong  60 hộ dân đang sử dụng đất trong ranh rừng, đã có 9 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số 9 hộ được cấp giấy CNQSDĐ trên, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc không nắm rõ được nguồn gốc, thời gian sử dụng. Còn ở Vườn quốc gia Phú Quốc, nhiều hộ dân đã lấn chiếm những khu vực được dự kiến sẽ chuyển mục đích theo quy hoạch 633 và 868 của Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng, tại khu vực từ cầu 17 đến cầu 18 (phía sau Trường THCS Gành Dầu, xã Gành Dầu) có gần 9.400m2 đất thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc bị người dân lấn chiếm chặt phá, thậm chí đốt rừng.

Ông Phạm Vũ Hồng -Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh: “Tình trạng chặt phá rừng quốc gia ở Phú Quốc và Kiên Hải diễn ra rất nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Yêu cầu ngành Nông nghiệp phải thành lập đoàn kiểm tra xử lý nghiêm, đặc biệt là diện tích mới quy hoạch loại ra khỏi đất rừng ở Phú Quốc”.

Tại cuộc họp ngày 28/5, ông Phạm Vũ Hồng -Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang,  cảnh báo về việc buông lỏng quản lý đất rừng ở Phú Quốc và đặt nghi vấn việc có sự tiếp tay từ bên trong để gậm nhấm rừng:

 “Mới quy hoạch thôi, chưa thu hồi đất, chưa giao về cho địa phương thì gần như người dân vô chiếm đúng cái ranh rừng, đúng cột mốc luôn. Người dân làm sao mà biết chính xác  toạ độ tới cỡ đó. Bây giờ ranh rừng loại tới đâu là dân chiếm tới đó, trồng cây tới đó hết, thậm chí là chặt phá cây rừng mà cây rừng trong diện tích rừng quốc gia chưa bàn giao về cho địa phương, chưa kiểm kê bàn giao cho địa phương thì đây là tài sản của rừng quốc gia. Chiếm đúng toạ độ luôn, không sai ly nào thì có bên trong bên ngoài hay không?”.

Theo Ttv24 ,

No comments:

Post a Comment