Cập nhật tin tức nóng hổi

Thẩm quyền xét xử là riêng biệt, Công an không được đánh giá hay sự kết tội nào

Cơ quan cảnh sát điều tra không phải là cơ quan có chức năng xét xử - họ chỉ có chức năng điều tra - thực hiện các hoạt động để chứng minh tội phạm có cấu thành hoặc hoàn thành hay không trên thực tế theo các trình tự luật định. Họ không được đưa ra bất cứ sự “xét xử” nào.

Việc ra bản kết luận điều tra, cũng chỉ là văn bản tố tụng với nội dung mô tả và thống kê các chứng cứ, việc chứng minh tội phạm của cơ quan này đối với một người và sau đó, ở phần cuối cùng, họ đưa ra đề nghị với Viện kiểm sát thực hiện quyền truy tố dựa trên các kết luận của họ.

Và các đề nghị này có thể bị bác bỏ ngay tại giai đoạn truy tố (cáo buộc hoặc gỡ bỏ các cáo buộc về tội phạm), hoặc chính bản thân cơ quan điều tra có thể tự mình đình chỉ hoặc huỷ bỏ việc điều tra vì “không có sự việc phạm tội” hoặc “hành vi không cấu thành tội phạm” hoặc căn cứ khác theo luật định. Nhưng hành động này cũng không phải là “xét xử”, mà là chấm dứt hoạt động điều tra dựa vào các cơ sở luật đã ấn định cho họ.
Thẩm quyền xét xử là riêng biệt, Công an không được đánh giá hay sự kết tội nào
Ảnh minh họa

Chỉ riêng Toà án mới có chức năng xét xử - với hoạt động mở phiên toà thẩm tra toàn bộ chứng cứ cùng việc chứng minh của cơ quan điều tra cũng như việc truy tố của Viện kiểm sát - và chỉ Toà án mới có thẩm quyền kết tội hoặc phán quyết không có tội, với một phiên xử công khai, trước một người nào đó.

Chỉ toà án mới có quyền đưa ra nhận định, xem xét, đánh giá toàn bộ các sự chứng minh và các chứng cứ được cơ quan điều tra thu thập đưa vào trong hồ sơ vụ án. Và đến khi toà án xét xử, cơ quan điều tra không còn chức năng gì trong vụ án, ngoài việc họ có thể bị toà án triệu tập để làm rõ các tình tiết có trong hồ sơ vụ án mà họ đã thực hiện. Cơ quan điều tra phải bảo vệ, nhưng không được đưa ra đánh giá và hoặc sự phán xét nào, ngay cả với các chứng cứ mà chính họ đã thu thập.

Chính vì thế, hiện nay, trong giai đoạn dành cho toà án, dù đang trong giai đoạn hay thủ tục nào - sơ thẩm, phúc thẩm hay giám đốc thẩm, tái thẩm - cơ quan công an không được đưa ra bất cứ đánh giá hay sự kết tội nào. Nó thuộc về chức năng riêng biệt và cao nhất của Toà án. Vì mọi hoạt động điều tra hoàn toàn có thể bị huỷ bỏ và họ còn phải chịu trách nhiệm với các sự sai phạm (nếu có) trong việc điều tra của mình.

Hiện nay, trên truyền thông, nhiều vụ án, cơ quan điều tra lại tổ chức “họp báo” và phát ngôn với sự kết tội đối với bị can, bị cáo là đang làm sai chức năng của mình và đang lạm quyền sang chức năng xét xử của toà án. Và điều này cần phải được thay đổi và chấm dứt để tránh việc lẫn lộn về thẩm quyền, hơn thế, nó còn gây ra tình trạng làm mất đi tính hiệu lực tư pháp của toà án.

LS Lê Luân , ,

No comments:

Post a Comment