Một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại London, Vương Quốc Anh đã đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 1/3 rằng chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hoạt động mổ cướp nội tạng sống đối với các tù nhân lương tâm và bán cho thị trường cấy ghép tạng sống để kiếm lời.
Học viên Pháp Luân Công diễu hành từ Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ đến Đài tưởng niệm Washington thỉnh nguyện yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt đàn áp và thu hoạch nội tạng. (Ảnh: Epoch Times)
Trong một báo cáo dài 160 trang, Tòa án về vấn đề Trung Quốc tuyên bố: “Không có bằng chứng nào cho thấy hoạt động này đã chấm dứt và Toà án có đầy đủ bằng chứng để kết luận rằng mổ cướp nội tạng sống vẫn đang tiếp tục ở Trung Quốc”. Tài liệu còn bao gồm một phụ lục dài 300 trang về lời khai của các nhân chứng và các tài liệu đệ trình kèm theo.
Quan tòa là ngài Geoffrey Nice. Trước đây, ngài Nice đã từng chỉ đạo việc truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic vì các tội ác chiến tranh tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các chính phủ trên thế giới đã không tiến hành điều tra các cáo buộc chống lại Trung Quốc về hành động mổ cướp nội tạng sống, và theo đó đã để “bao nhiêu người phải chết một cách khủng khiếp và vô tội”.
Những tội phạm và tội ác thu hoạch tạng sống
Phán quyết của Tòa án khẳng định lại kết luận trước đó của tòa, được công bố vào tháng 6 năm 2019, rằng học viên Pháp Luân Công là một trong những nguồn nội tạng chủ yếu cho chương trình cấy ghép nội tạng của chính quyền Trung Quốc.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm và thân theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, kết hợp với việc luyện tập 5 bài công pháp. Môn tu luyện này được ưa chuộng khắp Trung Quốc. Theo ước tính của chính quyền, vào cuối thập kỷ 1990, Trung Quốc có khoảng 70 -100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công. Điều này đã trở thành mối đe dọa đối với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Vào ngày 20/07/1999, Giang Trạch Dân bắt đầu chiến dịch toàn quốc: đàn áp, bắt bớ, giam giữ các học viên Pháp Luân Công trong các hệ thống nhà tù, trại lao động, trung tâm tẩy não và bệnh viện tâm thần, để cưỡng ép họ từ bỏ đức tin.
Ngoài ra, báo cáo cho biết thêm, trong các cuộc gọi điện thoại bí mật của nhóm điều tra, nhiều bác sĩ tại các bệnh viện cấy ghép của Trung Quốc đã xác nhận họ luôn có sẵn nguồn nội tạng thu hoạch từ cơ thể học viên Pháp Luân Công. Những cuộc gọi điện thoại khác cũng tiết lộ rằng thời gian chờ đợi ghép tạng ở các bệnh viện của Trung Quốc là khoảng 2 tuần, trong khi ở các quốc gia khác, nơi có hệ thống hiến tạng hợp pháp và minh bạch thì thời gian chờ đợi là nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Tuyên bố của Tòa án cho biết có bốn hình thức thu hoạch nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc, bao gồm: giết tù nhân bằng cách mổ lấy nội tạng; thu hoạch nội tạng từ tử tù sau khi tiêm thuốc độc; thu hoạch nội tạng từ tử tù còn thoi thóp sau xử bắn; và lấy cớ chết não để thu hoạch nội tạng.
Bà Susie Hughes, giám đốc điều hành và là thành viên đồng sáng lập nhóm vận động Liên minh Quốc tế để chấm dứt lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, cho biết: “Việc các chính phủ, các cơ quan y tế và các tổ chức nhân quyền hàng đầu nói rằng cáo buộc không có đủ bằng chứng là điều không thể được chấp nhận nữa. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ to lớn là đánh giá tất cả các bằng chứng sẵn có và bây giờ tội ác đã được phơi bày”.
Bà nhấn mạnh rằng: “Đã đến lúc không thể bỏ qua vấn đề này nữa. Đây là tội ác chống lại toàn bộ nhân loại. Đã đến lúc nhân loại phải hành động”.
Báo cáo trên đã mô tả việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức là “hành động vi phạm nhân quyền tột đỉnh”. Tòa án tuyên bố rằng các chính phủ phải hành động để chống lại chính quyền Trung Quốc.
“Báo cáo xác nhận rằng tất cả những người hoặc tất cả các tổ chức nào có sự tương tác theo bất kỳ cách nào với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều cần phải nhận ra rằng họ đang tương tác với một quốc gia tội phạm”, Quan tòa Nice khuyến cáo trong tuyên bố.
Mọi người và mọi quốc gia đều phải có “nhiệm vụ” bảo vệ “quyền sống”. Quan tòa chỉ rõ: “Điều này không thể làm một cách mù quáng hoặc giả câm giả điếc, hoặc im lặng vì một mục đích nào đó, và thụ động để mặc mọi chuyện”.
Quan chức Trung Quốc liên quan trực tiếp đến việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Một bằng chứng được trình bày trong báo cáo liên quan trực tiếp đến cựu lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, người ban hành lệnh thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.
“Giang Trạch Dân đã ban hành lệnh thu hoạch nội tạng”, Bạch Thư Trung, cựu Cục trưởng y tế thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, cho biết khi ông này bị một điều tra viên thẩm vấn trong một cuộc gọi điện thoại bí mật vào năm 2014.
Trong một cuộc gọi điện thoại bí mật vào năm 2016, một bằng chứng khác về các quan chức liên quan trực tiếp đến việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được tiết lộ. Đó là về Chu Gia Tân, trưởng phòng phòng 610 ở Mẫu Đơn Giang, một thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Phòng 610 là một lực lượng cảnh sát bí mật chuyên biệt để đàn áp Pháp Luân Công, giống như Gestapo của Đức Quốc xã.
“Tôi được gọi là ‘đồ tể’ chuyên mổ lấy nội tạng sống... Có gì đâu, chỉ như mổ lợn thôi”, Chu nói trong điện thoại, và còn nói thêm: “Tôi lấy hết nội tạng ra rồi đem bán”.
Tất cả các cuộc gọi điện thoại này được đệ trình lên Tòa án về Trung Quốc và được kèm theo trong báo cáo. Các bằng chứng này đã được “các nhà điều tra độc lập lần lượt xác nhận để đảm bảo uy tín về nguồn gốc và nội dung các tư liệu báo cáo”, theo tuyên bố của tòa.
Toà án cũng cho biết: “Đã có đầy đủ bằng chứng cho thấy số liệu thống kê cấy ghép chính thức của Trung Quốc đã được sửa đổi để che đậy tội ác mổ cướp nội tạng”.
Năm 2015, chính quyền Trung Quốc công bố ngừng sử dụng nội tạng của tử tù và chỉ dựa vào nguồn cung cấp tạng từ hệ thống hiến tạng tình nguyện mới thành lập.
Tháng 11 năm 2019, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học BMC Medical Ethics đã phát hiện ra rằng “số lượng tạng hiến được báo cáo ở Bắc Kinh ‘chồng chéo’ nhau, và có bằng chứng thuyết phục rằng số liệu này là giả mạo”.
Nghiên cứu cho thấy các số liệu chính thức của Trung Quốc không phải là số liệu thống kê thực tế từ hệ thống hiến tạng, mà là dữ liệu được tạo ra bằng các phương trình toán học.
TH/Theo The Epoch Times Chính trị , Pháp luật , Tin quốc tế , Y tế
No comments:
Post a Comment